MIST – Mekong Innovative Startups in Tourism (“Sáng kiến Hỗ trợ Khởi nghiệp Du lịch vùng Mekong”) được thành lập năm 2016 bởi MBI và Destination Mekong với sự hỗ trợ từ Mekong Tourism, Australian Aid (thuộc chính phủ Úc) và ngân hàng phát triển Châu Á ADB.
Sau năm 2017 tổ chức rất thành công, MIST 2018 đã quay trở lại với nhiều cơ hội lớn dành cho các startup du lịch và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực du lịch với hai chương trình:
Startup Accelerator (Vườn ươm khởi nghiệp)
Dành cho các startups vẫn đang trong giai đoạn đầu. Các startups này phải liên quan tới du lịch, có thể là du lịch truyền thống hoặc là công nghệ liên quan du lịch. Mist không chấp nhận dự án đang ở giai đoạn ý tưởng, ít nhất đã có MVP (Minimum Viable Product) – một sản phẩm khả thi tối thiểu. Các startup muốn tham gia chương trình này phải có trụ sở đặt tại một trong các nước Campuchia, Lào, Myanamar, Thái Lan hoặc Việt Nam hoặc ít nhất là có một thành viên trong đội ngũ sang lập đến từ các quốc gia này.
Từ các hồ sơ gửi về, Mist sẽ chọn ra 15-20 startup tốt nhất để cùng tham gia một khóa huấn luyện kéo dài 1 tuần. Trong thời gian này các startup sẽ tranh tài với nhau. Startup chiến thắng sẽ nhận được được giải thưởng 10.000 usd tiền mặt và một khóa huấn luyện kéo dài 6 tháng trị giá 20.000 usd. MIST sẽ là kết nối giúp startup với các nhà đầu tư, các đối tác tiềm năng.
So với năm 2017, năm nay chương trình Startup Accelerator được mở rộng cho các startup tới từ Thái Lan.
Hạn chót nộp hồ sơ cho chương trình Startup Accelerator là ngày 10/03/2018. Xem chi tiết thêm tại mist.asia/startup-accelerator
Market Access Program (Tiếp cận thị trường)
Dành cho các công ty vừa và nhỏ (SME) trong lĩnh vực du lịch muốn mở rộng sang thị trường các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar (không quan trọng là công ty đến từ quốc gia nào).
MIST sẽ chọn ra tối đa 5 công ty tham gia chương trình Market Access Program. Các công ty được lựa chọn sẽ nhận được những tư vấn và hỗ trợ dựa theo kế hoạch mở rộng của mình, cũng như được kết nối với các tổ chức liên quan như cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp đầu ngành, các cá nhân trong ngành. Dự án tiềm năng sẽ nhận được gói hỗ trợ để mở rộng thị trường trị giá 15.000 usd.
Thời hạn đăng ký cho chương trình Market Access Program là đến hết ngày 31/3/2018. Xem thông tin về chương trình tại mist.asia/market-access-program
Năm 2017, MIST cũng đã tổ chức thành công hai chương trình Startup Accelerator và Market Access Program. Trong chương trình Startup Accelerator Việt Nam có 11 đại diện tham gia vòng huấn luyện (trong tổng số 20 startup), ở vòng chung kết Việt Nam có 5 đại diện gồm Bayo, I Love Asia, Dichung, Chameleon City và Morning Rooms, trong đó Chameleon City nhận được Giải thưởng Đổi mới. Startup chiến thắng trong chương trình Startup Accelerator MIST 2017 là GoP, một start-up công nghệ đến từ Myanmar.
Trong chương trình Market Access Program 2017, công ty LokaLocal đến từ Malaysia đã dành giải thưởng cao nhất. Việt Nam có hai đại điện tham gia chương trình này là Divui và Baolau.
Chia sẻ của bạn Ngọc đến từ Baolau về MIST 2017:
Mình nghĩ các travel startup tại việt Nam ĐỪNG NÊN THAM GIA vào MIST năm nay. Lý do như sau:
1. Đi nước ngoài tham gia dự thi mà chẳng mất chút phí nào cả. Người ta không cho mình mua vé máy bay, trả tiền khách sạn, đã vậy còn quăng cục tiền giống như bảo: allowance đấy, xài đi! Rồi lần mình đi Myanmar để thực hiện dự án cũng y chang. Nhớ lại mà thật cảm động…(ước gì lần nào đi nước ngoài cũng được như vậy :”>)
2. Cơ hội lớn để thử thách bản thân. Trước đó thì mình có thuyết trình và nói chuyện trước vài trăm người tại lễ tốt nghiệp đại học và các chương trình bên ngoài không ít vậy mà buổi này run hẳn. Không phải mình sợ thi không bằng mấy đội bạn mà là vì chưa bao giờ mình thuyết trình mà bên dưới có nhiều chuyên gia nước ngoài như vậy, lúc nào cũng thấy mình nhỏ nhoi và sợ rằng mình sẽ nói sai điều gì. Nói chung hôm đó thành công tốt đẹp, mình đã bớt run bần bật và tìm cách khống chế được nỗi sợ của bản thân.
3. Đối tác tiềm năng đâu ra mà nhiều quá! Nhiều đội ở Việt Nam không biết nhau, qua đó tình thương mến thương lạ. Chưa kể được gặp và nói chuyện với các đội bạn trong khu vực để hiểu thêm về thị trường và học hỏi thêm từ các bạn. Sau chương trình thì mình có thêm 3 partners mới đã và đang hợp tác, còn nhiều đối tác tiềm năng thì chưa kể đến.
4. Network sao mà rộng quá rộng chừng! Tại Lào, vì mình tìm hiểu chuyên về phương tiện giao thông nên không biết các đội bạn ra sao. Tuy nhiên, mình được học hỏi trực tiếp từ cựu Giám đốc Marketing của Singapore Airlines, Giám Đốc PATA của nhiều chapter trong khu vực và trên thế giới…Cũng theo một chương trình được giới thiệu từ MTCO, đồng sáng lập chương trình MIST, mình sang thăm văn phòng khu vực của Amadeus, một trong những công ty công nghệ hàng không hàng đầu thế giới tại Bangkok rồi được nghe và học hỏi từ những cố vấn, giám đốc của các hãng hàng không, các công ty du lịch tại Thái Lan và châu Âu. Trong chuyến đi vừa rồi tại Myanmar thì mình cũng được chương trình dẫn đi gặp những công ty cùng ngành lớn nhất tại quốc gia này.
Nói chung là còn nhiều lý do nữa, nhưng mà nếu các travel startup ở Việt Nam không muốn đi nước ngoài tham gia chương trình miễn phí, không muốn thách thức bản thân, tìm kiếm đối tác và mở rộng network của mình để học hỏi thêm thì không nên tham gia chương trình, vậy thôi!